top of page

Chọn nghề để học ở Thụy Điển

Writer: chiaselundchiaselund

Ngoại trừ rào cản về ngôn ngữ thì việc học ở Thụy Điển có nhiều cái lợi hơn ở Việt Nam, ví dụ như không tốn học phí; được mượn tiền trang trải cuộc sống; không bị áp lực thời gian (bạn có thể học 25%, 50%, 100%); rất nhiều ngành nghề để chọn lựa… Nhưng ”Đời là bể khổ”, có nhiều chọn lựa đâm ra cũng rối. Mình có khoảng nửa năm không học gì, chỉ xem xét các lựa chọn ngành học.

Chọn nghề để học ở Thụy Điể

Chọn nghề để học ở Thụy Điển: ngành cũ hay mới

Theo mình có hai hướng.

Thứ nhất, bạn chọn theo ngành bạn đã làm ở VN, quá tốt rồi. Trừ khi bạn tìm được việc đúng ngành bằng TA không thì mình nghĩ nên học lại ở TĐ để làm quen với tiếng TĐ chuyên ngành, nhiều ngành từ chuyên môn rất khó nhớ cũng không giống với TA nhiều. Điều quan trọng nữa là bạn sẽ có bằng cấp chuyên môn chuẩn TĐ, có giá trị đến hết đời. Lúc này phần nhiều kiến thức bạn đã biết, sẽ giúp bạn có thời gian vật lộn với tiếng TĐ; nếu không thì stress lắm, nhịn ở trường rồi sẽ về nhà cáu có người thân, chẳng ai được bình yên ở cạnh bạn!


Thứ hai, nếu ở VN bạn đã chọn sai ngành nghề thì còn chờ gì nữa, đây là cơ hội cả đời mới có. Thử nghĩ nếu ở VN thì làm sao bạn nghỉ việc đi học lại nghề khác được. Nhưng thực ra, qua đây ở độ tuổi 40, trải nghiệm cũng đủ để hiểu rằng không được làm nghề mình muốn thì tự tìm niềm vui trong việc mình đang làm. Lĩnh vực hoàn toàn mới, đầy thử thách và mới mẻ như vậy cũng đủ vui rồi. Mình muốn được đi chứ không phải chạy nữa.


Học Đại học (Universitet/Högskola) hay Cao đẳng nghề (Yrkeshögskola)

Nói đến đây thì bạn lại có hai lựa chọn: Học Đại học (Universitet/Högskola) hay Cao đẳng nghề (Yrkeshögskola). Mình chọn CĐ nghề vì nhanh xong và phần nào cũng dễ (học càng lâu thì khoảng nợ CSN sẽ càng lớn); được thực tập hai đợt tổng cộng nửa học kỳ (Mình xác định sẽ phải tìm việc luôn ở chổ thực tập nên bảng điểm của mình phải cực kỳ tốt để tạo ấn tượng lúc xin thực tập chứ tới phỏng vấn mà tiếng TĐ lơ lớ kiểu này nghe chắc nản lắm . Mình nói về việc thực tập lúc khác không thì bài dài quá. Học CĐ nghề không yêu cầu nặng phần ngôn ngữ; viết luận, báo cáo đề tài và làm bài thi giáo viên không quá quan trọng câu chữ.


Tuy nhiên suốt quá trình học mình luôn phải sử dụng các kỹ năng khác để bù đắp sự thiếu hụt ngôn ngữ; cho nên bạn có nền tảng sẵn sẽ dùng được vào lúc này, kiến thức chuyên môn dễ (Làm sao xác định được?) sẽ giúp bạn giành nhiều thời gian đọc tài liệu, học từ mới với viết bài. Phần viết bài mất thời gian vô cùng luôn.


Khi chọn ngành học, mình chủ yếu xem ở hai trang antagning.se và yrkeshogskolan.se, mỗi chương trình đều có programsplan/kursplan chi tiết các môn học; đọc kỹ bạn sẽ biết trình độ hiện tại của bạn so với chương trình học.


Tại sao mình không học chuyển đổi để làm giáo viên?

Đi dạy là việc mình đã làm mười mấy năm ở VN; giáo viên những môn tự nhiên ở TĐ lại rất thiếu mà mình đã có fast jobb (Giáo viên TV) nên cơ hội có việc sau khi học xong rất cao, lại được làm gần nhà- đạp xe đạp đi làm. Nhưng mình không tự tin đi dạy bằng tiếng TĐ và xác định sẽ không cải thiện được mấy (Mình rõ ràng không có khiếu ngoại ngữ, đổi phương pháp các kiểu cũng không khá hơn mấy); mình cứ nghĩ làm GV thì trước tiên ngôn ngữ cần đạt mức ’’perfekt’’ hay ít ra giọng nói cần chuẩn. Hãy tưởng tượng một ngày đẹp trời đứa học trò về mách với ba mẹ nó là giáo viên nói cái giọng gì kỳ quá con không hiểu nổi, con căng thẳng quá là coi như vãn tuồng sớm ha. Mình cần tập trung học để có điểm tốt nhưng không thể bỏ việc GV vì lỡ học xong không tìm được việc thì phải quay lại học chuyển đổi làm GV.


Mình chọn học ngành dược và thực phẩm (Läkesmedels- och Livsmedelstekniker)

Ngành mới hoàn toàn đối với mình, nhưng kiến thức toán, hóa, sinh cơ bản mình có, 2 năm toàn thời gian song song với dạy TV 40%. Việc đi dạy chiếm hết hai ngày mỗi tuần làm mình lỡ nhiều buổi học, nếu là lý thuyết mình tự đọc ở nhà không sao nhưng trúng vào ngày ở phòng thí nghiệm thì phải cố kiếm người đổi giờ (Giáo viên không thích sinh viên cứ đổi qua lại rắc rối nên mình luôn trình bày trước lý do đi làm, giáo viên sẽ châm chước phần nào). Phần này cũng qua suông sẻ. Khó khăn nhất là lúc làm dự án (projekt), hầu hết các môn đều có projekt và phải làm theo nhóm; mình vắng buổi phân nhóm thì coi như vô nhóm không ai muốn vô hoặc là được projekt không ai muốn có. Họp nhóm thì hay vắng mặt, mình luôn mặc cảm vì mình gây trở ngại cho nhóm với lại làm việc chung với những người không cùng cách làm việc thật sự gây ức chế cho cả hai bên. May mà điểm projekt chỉ chiếm ½ quá trình, thi tốt kéo điểm lên cũng ổn.

Vật vã đâu nửa học kỳ cuối cùng mình cũng chọn được nhóm cùng phong cách, cả projekt gặp đúng 3 lần còn lại làm qua google drive; cảm ơn Google tụi mình kiểm tra và giúp lẫn nhau qua google drive. Nhóm có hai bạn rất giỏi nhưng vô nhóm trước không hợp đã bị làm lại projekt nên từ đó tụi mình giữ chặt lấy nhau, dù mình không có mặt các bạn ấy cũng tự điền tên mình vô nhóm. Mình hơi sa đà đoạn này coi như kể chuyện các bạn rút được kinh nghiệm gì thì rút ha. Nhóm 4 người, có 1 bạn thích lãnh đạo, càng tốt bạn ấy đọc qua trước projekt rồi phân công công việc; bạn người TĐ thì đọc lại báo cáo cuối cùng chỉnh sửa câu chữ; mình thì quá quen với việc phân bố bố cục trình bày và làm slide báo cáo nên nhận phần này.


Đời lúc nào cũng có ”tuy nhiên”, một số giáo viên không cho tự chọn nhóm, bắt phải xáo xào lên mới chịu ”Anh chị phải học cách làm việc với ai cũng được!?”...


Làm bài thi nếu được chọn, phải chọn đề mở vì sẽ cần tra cứu, đề mở không cần kiểu phải nhớ bài mà cần suy luận. Từ ngữ chuyên môn nhiều và loằng ngoằng lắm các bạn, ngồi 10 phút không nhớ ra tên phương pháp cấy ghép gì đó nên thay vì viết hai chữ mình mô tả ra phương pháp hết nửa trang giấy, xong ghi vô tôi biết phương pháp này nhưng nhất thời quên tên. Giáo viên cũng cho ½ số điểm. Bảng tuần hoàn hóa học thì nhớ lộn tùm lum hết; tên TĐ của các nguyên tố hóa học rất kỳ, ví dụ như oxy thì gọi là syre, hydro là väte, nito là kväve... lúc này đúng là "sai một li đi một dặm". Mình nhớ đã rất rối loạn lúc làm bài thi hóa hữu cơ đề đóng.


Mình viết hơi chi tiết phần này để các bạn hình dung được khi mình đi học ở TĐ (ngoại trừ svenska) thời gian bạn cần bỏ ra sẽ gấp rưỡi gấp đôi các bạn TĐ vì rào cản ngôn ngữ và vì bạn cần phải đạt điểm tốt để có ưu thế gì đó mà chọi lại với các bạn TĐ khi đi tìm việc.


Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ!


Tác giả: Tyra Uyên Phan

Bài viết được chia sẻ lần đầu vào tháng 02/2022 tại "Trạm thông tin về Học Tập và Hướng Nghiệp tại Thụy Điển".

 
 

Comments


bottom of page