top of page
Writer's picturechiaselund

10 “tips” khi tìm việc làm ở Thụy Điển

Nếu bạn là người đang tìm việc làm hoặc đang muốn chuyển đổi công việc tại Thụy Điển. Dưới đây là những kinh nghiệm hữu ích giúp bạn chuẩn bị tốt khi tới Thụy Điển để làm việc:


Các mục chính

  • Một số điểm cần lưu ý

  • Tìm việc ở đâu?

  • Chuẩn bị hồ sơ cá nhân

  • Học tiếng Thụy Điển

  • Các mối quan hệ/ Networking

  • Hoạt động tình nguyện/ Volunteering

  • Khởi nghiệp

  • Việc làm tại Đan Mạch

  • Các chia sẻ về kinh nghiệm tìm việc

  • Câu hỏi từ bạn đọc

tìm việc làm ở Thụy Điển

1. Một số điểm cần lưu ý

Hiểu rõ các quy định: Người từ các nước ngoài EU cần xin giấy phép lao động trước khi chuyển đến Thụy Điển. Hãy tham khảo thông tin từ Cơ quan Di trú Thụy Điển để đảm bảo rằng quy trình đăng ký và gia hạn được tuân thủ chặt chẽ, vì lỗi hành chính có thể dẫn đến từ chối cấp giấy phép lao động và visa có thể hết hạn.


Chuẩn bị thực tế khó khăn: Nghiên cứu cho thấy rằng những người có tên nước ngoài có thể gặp khó khăn hơn khi xin việc ở Thụy Điển. Xây dựng mạng lưới cá nhân và chuyên nghiệp sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình tìm kiếm việc làm.


Tránh hiểu lầm văn hóa: Dù nơi làm việc Thụy Điển có thể không quá trang trọng, nên ăn mặc lịch sự trong buổi phỏng vấn. Đến đúng giờ và chuẩn bị đầy đủ tài liệu cũng là điều quan trọng, vì sự chuyên nghiệp được đánh giá cao.


Hiểu khác biệt văn hóa làm việc: Nên quen dần với “Jantelagen” (không được tự cho mình hơn người khác) và “lagom” (sự vừa đủ). Việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống được đánh giá cao ở Thụy Điển, và văn hóa này đôi khi khiến người nước ngoài cảm thấy mới lạ.


2. Tìm việc ở đâu?

a. Sở Lao Động Thụy Điển (Swedish Employment Agency/ Arbetsförmedlingen)

Hãy nghĩ đến việc đăng ký thông tin tại website của Sở Lao Động Thụy Điển (Arbetsförmedlingen) khi bạn đang tìm việc, việc này khá là hữu ích đó! Bằng cách đăng ký với cơ quan này, bạn có thể truy cập danh sách việc làm, nhận hướng dẫn về chiến lược tìm kiếm việc làm và nhận thông tin về các ngành nghề và cơ hội việc làm khác nhau ở Thụy Điển. Họ cũng có thể giúp bạn viết sơ yếu lý lịch và thư xin việc, rèn luyện kỹ năng phỏng vấn và các kỹ năng tìm kiếm việc làm khác. Ngoài ra, đăng ký với Sở Lao động Thụy Điển là một yêu cầu để nhận được một số loại trợ cấp thất nghiệp. Ở Thụy Điển, hệ thống an sinh xã hội cung cấp hỗ trợ tài chính cho những người không có việc làm, nhưng để đủ điều kiện nhận những lợi ích này, bạn phải đăng ký với cơ quan và tích cực tìm kiếm việc làm.


Bạn có thể đăng ký online, sử dụng BankID hoặc Freja eID để đăng ký. Ngoài việc nhận thông tin việc làm, bạn cũng nhận được rất nhiều hỗ trợ từ chính phủ Thụy Điển cũng như các chương trình học phù hợp với bạn để tìm việc làm đấy nhé.


Bạn có thể tham khảo một kinh nghiệm thực tế tại bài Tăng cơ hội tìm việc với Arbetsförmedlingens.


b. LinkedIn và các trang tìm việc

LinkedIn là một công cụ tìm kiếm việc làm cực kỳ quan trọng ở Thụy Điển. Website này được coi như “điểm khởi đầu” của việc thiết lập các mối quan hệ, do đó bạn hãy thường xuyên cập nhật hồ sơ của mình, và tận dụng các cơ hội để kết nối với các công ty hoặc các chuyên gia tuyển dụng cũng như sự chú ý của họ. Bạn nhớ cập nhật hình ảnh của mình trên Linkedin thật chuyên nghiệp nữa nhé, việc đó tạo ấn tượng rất tốt đấy!


Ngoài ra, bạn cũng có thể tạo hồ cơ cá nhân trên các trang Indeed, StepStone, Monster, GlassDoor và theo dõi các công ty mà bạn đang quan tâm tìm kiếm công việc hoặc hướng đến công việc mình mong muốn trong tương lai. Bạn có thể share CV hoặc hồ sơ cá nhân của mình trên nhiều trang "group" phù hợp nữa đấy. Bạn quan tâm có thể xem thêm các bài


c. Tham quan hội chợ việc làm/ Job Fairs

Các công ty đa quốc gia của Thụy Điển như Volvo, IKEA và Skanska, các ngân hàng quốc gia lớn, các nhà tuyển dụng địa phương và các công ty lớn nhỏ khác thường xuyên tham quan các hội chợ việc làm để tìm kiếm và gặp gỡ những nhân viên tiềm năng. Hội chợ việc làm mang đến cơ hội tìm kiếm và kết nối trực tiếp giữa nhà tuyển dụng và ứng viên bên cạnh các hội thảo hữu ích. Các hội chợ lớn bao gồm CHARM tại Chalmers ở Gothenburg, Handelsdagarna tại Trường Kinh tế Stockholm, eee-days tại Đại học Lund và Uniaden tại Đại học Umeå. Ngoài ra còn có các hội chợ không liên kết với các trường đại học, như ngày hội việc làm ở Stockholm.


Điều quan trọng là bạn phải chuẩn bị sẵn sàng; mang theo một đống CV và thư xin việc, và nghĩ xem bạn muốn nói chuyện với công ty nào và làm thế nào để gây ấn tượng với họ. Gửi email tiếp theo cho các đại diện của công ty mà bạn đã nói chuyện và có thể cơ hội sẽ đến với bạn. Bạn quan tâm có thể xem chi tiết bài.


d. Các công việc từ các công ty Việt

Nếu bạn mới đến và chưa thông thạo ngôn ngữ bản địa hoặc chưa có kinh nghiệm làm việc tại Bắc Âu, các công ty Việt như nhà hàng, quán cà phê, salon làm đẹp có thể là điểm khởi đầu tốt cho bạn. Các công việc này thường không yêu cầu nhiều về ngôn ngữ và kinh nghiệm, giúp bạn có thể nhanh chóng thích nghi và làm quen với môi trường làm việc mới.


Bạn có thể theo dõi các tin tuyển dụng từ những doanh nghiệp này tại https://www.chiaselund.com/jobs để cập nhật các vị trí mới nhất!



3. Chuẩn bị hồ sơ cá nhân

Chuẩn bị một CV phong cách Thụy Điển, có thể bao gồm cả ảnh đại diện chuyên nghiệp. Thư xin việc nên ngắn gọn và cá nhân hóa, sử dụng cách xưng hô thân thiện như “Hej Anna” thay vì “Dear Mrs Andersson”.


CV của bạn Bạn hãy chăm chút cho CV của bạn, và nhớ là nên đăng kèm 1 bức ảnh nữa nhé. Người ta đánh giá rằng ảnh trong hồ sơ là một trong những yếu tố “đi thẳng đến trái tim của nhà tuyển dụng” và rất rất được quan tâm ở Thụy Điển đấy. Thay vì viết CV 3 trang, bạn chỉ cần viết thật cô đọng trong 2 trang thôi, và luôn nhớ đính kèm 1 bức ảnh thật chuyên nghiệp. Khi soạn thảo CV, bạn hãy cho tên mình, thông tin liên lạc và đánh số trang ở phần "Header and Footer" của hồ sơ nhé. Bạn cũng có thể làm CV ấn tượng hơn bằng cách tóm tắt và liệt kê cô đọng kinh nghiệm, kỹ năng của mình ở ngay phần đầu của CV. Quan trọng nhất, bạn đừng quên nghiên cứu thật kỹ các yêu cầu của công việc mà bạn đang ứng tuyển, sau đó hãy chỉnh sửa kinh nghiệm và kỹ năng của mình theo các yêu cầu này thật khéo léo nhé. Nó sẽ ghi điểm tuyệt đối với nhà tuyển dụng đó!


Thư xin việc/ Cover letter

Trong trường hợp phải có thư xin việc gửi cùng hồ sơ, hãy nhớ viết thật cô đọng súc tích và đừng dài hơn 3/4 trang giấy. Trong thư, bạn nên cho nhà tuyển dụng biết tại sao bạn mong muốn được làm việc tại công ty họ, và vì sao bạn là ứng viên “tiềm năng” cho vị trí đó nhé. Cũng như CV, bạn nên viết thư xin việc riêng biệt cho từng công việc, đừng “rải” 1 bức thư cho 10 công việc khác nhau. Bạn đừng quên, soát lỗi chính tả hay ngữ pháp cũng cực kỳ quan trọng đấy nhé. như thế mới thể hiện được sự chuyên nghiệp của bạn.



4. Học tiếng Thụy Điển

Đúng là hầu như tất cả mọi người ở Thụy Điển đều nói tiếng Anh và bạn có thể dễ dàng học tập/ làm việc tại đây mà không cần biết một từ tiếng Thụy Điển. Một số công ty lớn - thậm chí cả những công ty của Thụy Điển - sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính. Nhưng thành thạo tiếng Thụy Điển là một ưu thế, mở ra rất nhiều cánh cửa để tìm việc làm và xây dựng các mối quan hệ. Ngay cả khi bạn nộp đơn cho một công việc đặc biệt yêu cầu tiếng Anh lưu loát hoặc nơi ưu tiên người nói tiếng Anh bản ngữ, khả năng nói cả tiếng Thụy Điển sẽ khiến bạn có ưu thế tốt hơn. Bạn cũng sẽ gây ấn tượng với đồng nghiệp mới và gắn kết với họ dễ dàng hơn. Bạn có thể tham khảo học tiếng Thụy Điển với các chương trình như SFI, Folkuniversitet, online courses hoặc tự học thông qua các group chia sẻ.


Tham khảo


5. Các mối quan hệ/ Networking

Các mối quan hệ luôn được coi là nhân tố cực quan trọng khi tìm việc và Facebooks thì luôn là một trong những kênh mang lại nhiều cơ hội mở rộng quan hệ cũng như thông tin việc làm. Hãy hình dung về các hoạt động chia sẻ (mentorship). Có rất nhiều người đang đi làm tại Thụy Điển, dù bận nhưng họ sẵn sàng chia sẻ hay giúp người khác hiểu rõ hơn về thị trường lao động tại Thụy Điển và trở thành cố vấn.


Bạn có thể tìm kiếm thông tin về hoạt động của các tổ chức như vậy, ví dụ như Mitt Liv (online). Chương trình của tổ chức này thường khởi động và kết thúc vào những thời điểm cố định trong năm, bạn hãy liên lạc với họ để tìm hiểu các cơ hội việc làm cụ thể nhé. Bài viết tham khảo


6. Hoạt động tình nguyện/ Volunteering

Bạn biết không, một trong những cách rất nhanh để tạo mối quan hệ là tham gia các hoạt động tình nguyện. Hãy tìm hiểu và tham gia các hội nhóm tình nguyện tại nơi bạn sinh sống. Và đừng giới hạn tìm kiếm thông tin chỉ bằng tiếng Anh nhé. Bạn sẽ tìm được nhiều thông tin “hay ho” đấy. Bạn nên liên lạc với tổ chức hoặc nhà quản trị để hỏi về ngôn ngữ yêu cầu nhé.



7. Khởi nghiệp

Bạn có thể khởi nghiệp bằng cách làm tư vấn viên (consultant) nếu bạn có kinh nghiệm hoặc kỹ năng làm việc ở các công ty, tổ chức. Tại Thụy Điển, tổ chức Nyföretagarcentrum có thể hỗ trợ bạn để bạn kinh doanh. Bạn có thể xếp lịch họp với một trong những tư vấn viên của tổ chức này để trao đổi ý tưởng và kế hoạch khởi nghiệp của mình. Những tổ chức như thế này có ở khắp các thành phố, và đều miễn phí. Nếu bạn muốn khởi nghiệp, bạn có thể tra cứu rất nhiều thông tin hữu ích trên website Verksamt.se


8. Việc làm tại Đan Mạch

Nếu bạn cần thêm nơi để tìm kiếm cơ hội và không ngại di chuyển, hãy ngó sang nước láng giềng Đan Mạch nhé. Có rất nhiều cơ hội việc làm có thể phù hợp với bạn đấy, website để bạn tham khảo tại đây Work in Denmark


Bạn đừng quên liên lạc với Øresunddirekt nếu bạn tìm được việc làm ở Đan Mạch, vì họ có nhiều chương trình hỗ trợ cho phương tiện di chuyển cùng nhiều dịch vụ hữu ích khác khi bạn sang Đan Mạch làm việc.


9. Các chia sẻ về kinh nghiệm tìm việc

Các bạn có thể tham khảo thêm về các kinh nghiệm cụ thể của các anh chị và các bạn đi trước qua các bài viết sau:

Hy vọng những kinh nghiệm này có thể giúp các bạn mới tới có thêm động lực để tìm được công việc như mong muốn ở cuộc sống mới tại Thụy Điển.



Dành cho sinh viên tìm việc

10. Dành cho sinh viên tìm việc

Ngoài các bước trên, dưới đây là các bí quyết tìm việc dành cho sinh viên tốt nghiệp tại Thụy Điển


a. Đăng ký tại Trung tâm Hướng nghiệp của Trường

Bước đầu tiên nên là ghé thăm trung tâm hướng nghiệp của trường đại học. Tại đây, bạn có thể tìm thấy sự hỗ trợ toàn diện như tư vấn nghề nghiệp bằng tiếng Anh, hỗ trợ viết CV và thư xin việc, các buổi hội thảo về kỹ năng phỏng vấn và các chuyến tham quan doanh nghiệp. Các trung tâm này còn cung cấp danh sách các công việc, thực tập và dự án luận văn đang tuyển.


b. Tìm cơ hội thực tập

Thực tập là cách tuyệt vời để tích lũy kinh nghiệm thực tiễn và xây dựng mạng lưới chuyên nghiệp. Ngay cả khi không dẫn đến một lời mời làm việc, thực tập vẫn cung cấp cho bạn thư giới thiệu từ công ty Thụy Điển và thêm điểm sáng cho CV của bạn. Bạn có thể tìm kiếm thực tập thông qua các tổ chức như AIESEC và IAESTE hoặc liên hệ trực tiếp với các công ty mà bạn muốn thực tập.


c. Làm thêm trong thời gian học

Công việc bán thời gian không chỉ giúp bạn kiếm thêm thu nhập mà còn là bước đệm để phát triển sự nghiệp. Để ứng tuyển, bạn có thể thử tiếp cận trực tiếp các công ty với CV tiếng Thụy Điển. Trang web Academicwork.se cũng là nguồn hữu ích, kết nối sinh viên với các công ty tìm kiếm nhân sự bán thời gian.


d. Tham gia hoạt động tại Hội Sinh viên

Mạng lưới cá nhân rất quan trọng trong việc tìm việc ở Thụy Điển, vì thế hãy tích cực tham gia các hoạt động và tổ chức sinh viên tại trường. Hội sinh viên không chỉ giúp bạn gặp gỡ nhiều người mà còn giúp xây dựng các kỹ năng mềm và thêm điểm nhấn cho CV.


c. Viết luận văn tốt nghiệp tại một công ty Thụy Điển

Nhiều chương trình đại học có kết nối với các công ty, và việc làm luận văn tốt nghiệp tại đây có thể giúp bạn tạo được dấu ấn ban đầu với các nhà tuyển dụng. Bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm thực tế, tạo dựng mối quan hệ và thậm chí là mở ra cơ hội làm việc tại công ty đó.


d. Tham gia các hiệp hội công đoàn

Công đoàn có vai trò quan trọng tại Thụy Điển, giúp bảo vệ quyền lợi người lao động. Các công đoàn như SACO, TCO và LO cung cấp nhiều ưu đãi cho sinh viên, bao gồm tư vấn nghề nghiệp và hỗ trợ viết CV. Khi đã có việc, họ cũng giúp bạn đàm phán mức lương và hỗ trợ trong các vấn đề tại nơi làm việc.


e. Bắt đầu sớm

Hãy bắt đầu tìm việc từ sớm và nộp đơn xin phép làm việc đúng thời hạn. Càng chuẩn bị sớm, bạn càng tăng cơ hội thành công trong quá trình tìm kiếm việc làm giữa hàng loạt sinh viên tốt nghiệp đang cạnh tranh khác.


07/2022 - ChiaseLund tổng hợp

-------------------

Câu hỏi từ bạn đọc

1,368 views

1 Comment


Guest
Sep 12, 2023

Cảm ơn bài viết rất đầy đủ và cực kỳ tâm huyết luôn

Like
bottom of page