top of page

Bắt đầu từ đâu trên con đường học tập, sự nghiệp tại Thụy Điển

Nếu bạn đang lo lắng không biết bắt đầu từ đâu trên con đường học tập, sự nghiệp tại Thụy Điển, bài viết này có thể giúp ích cho bạn! Ở Thụy Điển, có rất nhiều bạn tiếng Anh giỏi, đồng thời có bằng cấp về IT/tài chính…..từ Việt nam, sang Thụy Điển không cần học tiếng Thụy Điển, không cần học thêm các khóa học khác, vẫn có thể xin được việc làm. Như vậy, nếu bạn từng có bằng cấp hoặc kinh nghiệm trong lĩnh vực mà thị trường lao động cần và có thể giao tiếp thoải mái bằng tiếng Anh và sinh sống ở những thành phố lớn, thì việc có việc làm là không khó.


Nếu bạn đã qua 18 tuổi, và xác định sẽ bắt đầu con đường học hành để hợp thức hóa bằng cấp của mình ở Việt nam sang bằng cấp Thụy Điển, hoặc để chọn học một ngành mới mà thị trường lao động cần, thì bạn sẽ đi theo các bước sau:

Không biết đắt đầu từ đâu trên con đường học tập

Bước 1: Học tiếng Thụy Điển

Bao giờ cũng bắt đầu với SFI (học mất khoảng 9 tháng), sau đó đến SAS Grund (là chương trình học thuộc Grundläggande vuxenutbildning, học mất từ 4 – 6 tháng), sau đó đến SAS 1,2,3 (là chương trình học Svenska på gymnasial nivå, hay có thể hiểu là học cấp 3). Ở cấp độ này, các trường thường có cả lớp online và lớp tại trường. Nếu bạn muốn, bạn hoàn toàn có thể hoàn thành 3 khóa trên trong vòng 1 kì học, chọn 2 khóa đến lớp, 1 khóa online. Nhưng tất nhiên, khối lượng bài tập sẽ rất khủng khiếp. Xem thêm về SFi tại link


Mỗi một kommun (chính quyền thành phố nơi bạn cư trú) sẽ tổ chức những chương trình dạy nghề phù hợp với thị trường lao động tại địa phương đó. Và những chương trình này có thể sẽ chỉ yêu cầu bạn tốt nghiệp SFI, hoặc tốt nghiệp SAS Grund. Nếu bạn chọn được một ngành bạn yêu thích và theo học thì rất tốt vì cơ hội có việc làm sẽ cao. Ví dụ, nơi mình sống là Kalmar, sẽ có những chương trình sau: làm bánh, lái xe bus, điều dưỡng, đầu bếp…Các chương trình này sẽ đều ở cấp độ gymnasial nivå, tức là cấp 3. Nó là một chương trình cấp 3, nhưng thay vì học các môn khoa học cơ bản, bạn được học nghề luôn để sau đó có thể làm việc. Để tìm danh sách những chương trình này ở địa phương, các bạn vào google, đánh tên kommun mình đang sống và từ "yrkesutbildning".

tìm khóa học nghề

Bước 2: Chuyển đổi bằng cấp tại UHR

Nếu bạn muốn có cơ hội học cao lên sau cấp 3 tức là học cao đẳng (yrkehögskola) hoặc đại học (universitetet), hoặc học để đổi bằng tốt nghiệp đại học sang bằng cấp tương đương tại Thụy Điển (kompletterande utbildning) thì bắt buộc phải xong ít nhất SAS 2. Nếu bạn tính đi theo hướng này, thì việc có một chiến lược và kế hoạch rõ ràng là rất quan trọng.


Việc cần làm đầu tiên là càng sớm càng tốt gửi bảng điểm cấp 3 đã được dịch và công chứng đến UHR, chỉ cần scan và gửi đi để họ đánh giá xem, bạn còn THIẾU ĐIỂM GÌ để bằng cấp 3 của bạn được coi là tương đương với bằng cấp 3 ở Thụy Điển. Một bằng cấp 3 từ Việt nam, theo qui định, sẽ được coi là tương đương với bằng cấp 3 Thụy Điển nếu bạn hoàn thành được các môn tiếng Thụy Điển, tiếng Anh, và toán, ở gymnasial nivå. Dù ở Việt nam đã học tiếng Anh trong trường phổ thông nhưng UHR không bao giờ công nhận điểm này, nên kiểu gì bạn cũng cần học lại tiếng Anh, trừ khi bạn đã có điểm Ielts. Về điểm toán, bạn CÓ THỂ sẽ không cần học lại Toán vì ở cấp 3 Việt nam học toán rất nhiều, UHR sẽ đánh giá rằng điểm toán ở Việt nam tương đương cấp độ 3c. Nói tóm lại, để bằng cấp 3 của mình tương đương với bằng cấp 3 Thụy Điển, để từ đó mình có cơ hội xin học ở các cấp cao hơn, thì chủ yếu yêu cầu sẽ là tiếng Anh và tiếng Thụy Điển.


Chú ý: Sẽ có những bạn điểm toán chỉ được UHR đánh giá ở mức 2a, vì vậy rất quan trọng là các bạn phải gửi bằng cho UHR càng sớm càng tốt để biết mình thiếu gì.

Bước 3: Chọn con đường của bạn

Sau khi bạn hoàn thành các yêu cầu để chuyển đổi thành công bằng cấp 3 từ Việt nam sang bằng Thụy Điển, có thể coi là bạn có ĐÁP ỨNG ĐIỀU KIỆN CẦN (hay tiếng Thụy Điển gọi là đạt behögrihet) để nộp đơn xin vào các cấp học cao hơn. ĐIỀU KIỆN ĐỦ SẼ LÀ YÊU CẦU THÊM Ở MỖI TRƯỜNG MÀ BẠN CHỌN HỌC SAU NÀY. Câu hỏi ở đây lại tiếp tục là, bạn sẽ chọn hướng nào?


Ví dụ ở Việt nam bạn là dược sỹ, bạn không muốn học lại đại học dược mà muốn đổi bằng để bằng tốt nghiệp ở Vn tương đương bằng bên này, lúc đó bạn sẽ tìm kiếm các chương trình kompletterande utbildning. Ví dụ chương trình cho dược sỹ thì có link:

Không biết đắt đầu từ đâu

Đầu vào của chương trình yêu cầu tiếng Thụy Điển mức 3, tiếng anh mức 6, đều phải ở cấp độ gymnasial nivå. Lưu ý là bạn không cần học hết tất cả tiếng anh từ 1 – 6, nếu bạn giỏi bạn xin thẳng vào lớp 6 học và thi lấy bằng luôn.


Nếu bạn chọn con đường đại học, có 2 cách để được đỗ đại học, một là xét theo điểm cấp 3, tức là điểm ở gymnasial nivå, thứ hai là xét theo điểm từ khi thi högskoleprovet, tổ chức mỗi năm 2 lần. Tùy tình hình thực tế cá nhân, bạn sẽ chọn cách gì phù hợp nhất với bạn.


Nếu bạn chọn học trường cao đẳng dạy nghề (yrkehögskola), bạn sẽ xác định ngành bạn muốn học là ngành gì, sau đó chọn trường nào tốt nhất đào tạo về ngành đó, sau đó tìm hiểu xem trường yêu cầu gì, và đến ngày đến tháng thì nộp hồ sơ. Yrkehögskola thường đánh giá cả điểm cấp 3 đồng thời có cả yêu cầu thi đầu vào (thi toán + tiếng anh + logic + tiếng thụy điển + phỏng vấn), nên mình cảm thấy vào yrkehögskola còn căng thẳng hơn vào đại học (chỉ xét tuyển). Với cá nhân mình đã trải nghiệm cả hai hình thức học đại học và học cao đẳng thì mình thích học cao đẳng hơn. Kiến thức rất sát với thực tế công việc, và có thời gian đi thực tập rất dài, giúp bạn xây dựng được rất nhiều mối quan hệ hữu ích cho sự phát triển cũng như cơ hội nghề nghiệp sau này.


Một vài kinh nghiệm cá nhân:

** Bạn nên chủ động tìm hiểu thông tin về tất cả các bậc học càng sớm càng tốt, đừng nghĩ là ôi học xong grund mới tính tiếp hoặc xong SAS mới tính tiếp. Vì sao, vì ngoài tiếng thụy điển + tiếng anh, bạn còn có thể chọn các môn học khác ở cả bậc grund và gymnasial. Bạn phải chọn học cái gì có lơi nhất cho định hướng phát triển của bạn. Đặc biệt, những môn bạn chọn học ở gymnasial có thể còn giúp bạn tăng cơ hội để được nhận vào đại học, cao đẳng. Vì khi bạn nộp đơn xin vào đại học, cao đẳng, họ sẽ xét điểm bạn theo snittbetyg, và bạn có thể nâng snittbetyg qua việc chọn học những môn trong danh sách.


** Thêm nữa, bạn cần nắm được là trường mình muốn học có những yêu cầu thêm gì, để chủ động đăng kí học và có điểm ở những môn đó trước khi đến thời hạn nộp hồ sơ. Nếu bạn không chuẩn bị chu đáo, thì có thể bị lỡ kì nộp và phải chờ sang kì sau mới có thể nộp lại.


** Bạn đừng nghĩ, mình sang Thụy Điển khi tuổi không còn trẻ, đã quá muộn. Chẳng có gì là muộn cả, đặc biệt đối với việc học. Quan trọng nhất là hiểu mình muốn gì, và học để có được công việc mà mình phải cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc khi làm việc đó hàng ngày. Nếu mỗi ngày đi làm là một sự chịu đựng thì cuộc đời còn gì ý nghĩa. Xem thêm bài Kinh nghiệm học tập và tìm việc với người 50+.


Những thông tin trên vẫn là RẤT CƠ BẢN và nội dung chia sẻ là từ kinh nghiệm cá nhân mình. Dần dần khi tiếng tốt hơn, bạn cứ ”cày nát” những link sau, và sau này khi sang đây rồi, đừng ngại tìm gặp các studie-yrkesvägledare, gặp càng nhiều càng tốt vì không phải ai cũng giỏi, gặp vài người sẽ may mắn có người giỏi, bạn sẽ khám phá ra rất nhiều điều thú vị nữa và tìm ra được một kế hoạch/chiến lược phù hợp nhất với điều kiện của mình.


Chúc bạn may mắn. Và đừng sợ học. Bạn sẽ thấy rất ”đã” khi học ở đây vì đa số thầy cô thực sự rất giỏi và rất tâm huyết với nghề, tận tình với học sinh


2024/11 - Không rõ tác giả. Bài viết được đăng trên nhóm Trạm thông tin về Học Tập và Hướng Nghiệp tại Thụy Điển năm 2021. Nguồn link

-----------------------------

Câu hỏi từ bạn đọc

21 views

コメント


bottom of page